Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Nghề làm nón truyền thống ở làng Quảng Nạp – Thái Bình



Để có được chiếc nón lá bền đẹp, đòi hỏi người làm nón phải có sự khéo của đôi bàn tay và có óc thẩm mỹ cao. Sau khi mua lá nón về, người thợ phơi nắng, sau đó hấp sinh diêm để lá có độ trắng đẹp và không bị mốc khi gặp trời mưa. Xong công đoạn đó thì người thợ đặt từng chiếc lá trên lưỡi cầy nung nóng sau đó dùng giẻ vuốt đều trên mặt bằng làm cho lá phẳng ra, rồi xếp lên khuôn làm hai lớp lá trong và ngoài, giữa hai lớp lá là một lớp mo nang mỏng được lấy từ mo tre và buộc lại cho vững chắc trên khung nón. Tiếp theo là tới công đoạn khâu. Đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt luồn mũi kim lên xuống đều đặn sao cho lỗ khâu thật nhỏ và khít đều đi từ đỉnh nón qua các vòng xuống vành ngoài cùng. Người thợ khéo tay khi khâu nón thường là người có tài khâu lấn chỉ và khéo léo giấu những nốt nối vào trong lòng chiếc nón lá. Bên trong chiếc nón thường được trang trí thêm những họa tiết, màu sắc của sợi chỉ khâu tạo thành nhôi nón làm cho chiếc nón lá trở thành sinh động và phong phú hơn. Chiếc quai nón vừa để giữ chiếc nón, vừa để tô điểm cho người đội thêm duyên dáng, thêm sang và quí phái theo cái nhìn thẩm mỹ hiện đại. Trước khi dùng nón lá họ thường quang một lớp dầu và đem ra phơi nắng vài giờ đồng hồ để làm bóng nón lá và làm tăng sức bền với thời gian cho sản phẩm này.​

Giang san ta đang bước và thời kỳ đổi mới và hội nhập, nhiều mốt thời trang hiện đại xuất hiện; có cả trăm nghìn loại nón, mũ khác nhau, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng nhưng hình ảnh chiếc nón lá làng Quảng vẫn gần gũi với mọi người, đặc biệt là với các thiếu nữ nông thôn. Rộng hơn, trong những ca khúc, vũ điệu và trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam; trong con mắt của bạn bè thế giới thì chiếc nón lá là hình ảnh đặc trưng cho trang phục truyền thống và sự duyên dáng của người đàn bà Việt Nam mềm mại, bình dị, bình dị mà kiêu sa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét